Quá trình phát triển của dây chuyền sản xuất

27/09/23

Tổng quan về dây chuyền sản xuất

Dây chuyền sản xuất là một hệ thống liên kết các quy trình khác nhau thành một dây chuyền mà nguyên vật liệu được sơ chế, chế biến, phân loại, chế tạo, gia công từ công đoạn này đến công đoạn khác nối tiếp để cuối cùng tạo ra một sản phẩm tiêu dùng hoặc trở thành nguyên vật liệu cho đầu vào một dây chuyền khác.

Ngày nay nhằm đáp ứng nhu cầu tăng cao về cung cầu của người tiêu dùng, dây chuyền sản xuất được áp dụng rộng rãi với nhều công nghiệp trong lĩnh vực sản xuất và chế tạo thành phẩm và đóng vai trò quan trọng:

Nâng cao năng suất: Tốc độ làm việc của máy móc nhanh hơn rất nhiều so với con người, khả năng hoạt động liên tục trong khoảng thời gian dài cũng giúp nâng cao số lượng sản phẩm.

Chất lượng sản phẩm: Khi dây chuyền sản xuất được khép kín sẽ loại bỏ được những thao tác thừa.

Tiết kiệm chi phí: Loại bỏ những lãng phí trong chuỗi hoạt động sản xuất như lãng phí thời gian, thao tác, sai sót … sẽ giúp doanh nghiệp không chỉ tiết kiệm các chi phí sản xuất và tối ưu lợi nhuận đem lại.

Dây chuyền sản xuất thủ công

Trong dây chuyền sản xuất thủ công thường sẽ không sử dụng công nghệ cao, thay vào đó là sự xuất hiện của con người sử dụng bàn tay, kiến thức và kinh nghiệm để tạo ra sản phẩm.

Ưu điểm của dây chuyền sản xuất thủ công

Chi phí vốn thấp hơn: Dây chuyền thủ công có mức đầu tư ban đầu thấp hơn nhiều so với dây chuyền tự động.

Chi phí bảo trì thấp và dễ dàng sửa chữa: Dây chuyền thủ công có ít bộ phận và máy móc không phức tạp, dễ sửa chữa hơn.

Vận hành linh hoạt: Dây chuyền thủ công có thể xử lý nhiều kích cỡ sản phẩm và thông số kỹ thuật khác nhau trong khi dây chuyền tự động lại tốt hơn trong việc tạo ra sản phẩm đồng nhất tiêu chuẩn.

Nhược điểm của dây chuyền sản xuất thủ công

Sử dụng nhiều lao động hơn: Do dây chuyền thủ công không áp dụng máy móc công nghệ tự động nên đòi hỏi nhiều nhân công để hỗ trợ những việc mà dây chuyền không thực hiện được.

Năng suất kém hơn: Dây chuyền thủ công không thể hoạt động nhanh và xử lý liên tục trong thời gian dài bằng dây chuyền tự động, dẫn đến năng suất sẽ không bằng dây chuyền tự động.

Quản lý nhân sự nhiều hơn: Để duy trì năng suất cao, các dây chuyền thủ công đòi hỏi phải quản lý nhân sự làm việc nhiều hơn.

Sự trỗi dậy của tự động hóa

Tự động hóa trong ngành sản xuất đã phát triển từ việc sử dụng các hệ thống thủy lực và khí nén cơ bản đến các robot hiện đại.

Ngày nay hầu hết các hoạt động công nghiệp đều được tự động hóa với mục tiêu thúc đẩy sản xuất và giảm chi phí lao động. Kể từ khi ra đời, tự động hóa công nghiệp đã có những tiến bộ vượt bậc so với trước đây.

Đưa máy móc tự động hóa vào dây chuyền sản xuất

Năm 1913, Công ty Ford Motor giới thiệu dây chuyền lắp ráp sản xuất ô tô được coi là một trong những loại hình tự động hóa tiên phong trong ngành sản xuất. Trước đó, một chiếc ô tô được chế tạo bởi đội ngũ công nhân lành nghề và phổ thông. Tự động hóa sản xuất đã cải thiện sản xuất của Ford và tăng lợi nhuận. Dây chuyền lắp ráp và sản xuất ô tô hàng loạt là dây chuyền đầu tiên thuộc loại này trên toàn cầu. Nó giảm thời gian lắp ráp ô tô từ 12 giờ cho mỗi ô tô xuống còn khoảng một tiếng rưỡi.

Từ những bước đầu tiên phong áp dụng tự động hóa vào dây chuyền sản xuất đã đem lại rất nhiều thành công, dây chuyền sản xuất tự động hóa hiện đang góp mặt ở nhiều lĩnh vực, nổi bật như gia công cơ khí, lắp ráp ô tô, xe máy, quy trình đóng gói hàng hóa,….

Lợi ích của tự động hóa trong quy trình sản xuất

Nâng cao năng suất: Dây chuyền có thể hoạt động liên tục, ổn định trong thời gian dài, các sản phẩm mới có thể nhanh chóng được đưa vào quy trình sản xuất và việc lập trình sản phẩm mới có thể được thực hiện ngoại tuyến mà không làm gián đoạn các quy trình hiện có.

Giảm chi phí vận hành: Máy móc,công nghệ cao có thể thay thế cho rất nhiều nhân công mà năng suất lại đạt hiệu quả cao hơn, ngoài ra còn giải quyết được vấn đề thiếu hụt người lao động.

An toàn lao động: Một dây chuyền ứng dụng công nghệ cao sẽ làm thay người lao động những công việc ảnh hưởng đến sức khỏe, nặng nhọc, độc hại,...người sử dụng lao động cũng tránh được những chi phí bồi thường.

Tăng tính lính hoạt và độ chính xác: Những thông số của máy móc được thiết lập tính toán chính xác giúp quá trình xử lý có tốc độ nhanh và sản phẩm đầu ra có chất lượng đồng nhất ít có những sai số, sản phẩm lỗi.

Tối ưu chi phí sản xuất, nâng cao sức cạnh tranh: Tự động hóa giúp giảm nhiều chi phí cho doanh nghiệp, năng suất lại cao điều này dẫn tới giá thành sản phẩm của doanh nghiệp cũng rẻ hơn, từ đó nâng cao tính canh tranh cho sản phẩm.

Ứng dụng dây chuyền tự động hóa vào các doanh nghiệp

Việc áp dụng dây chuyền tự động hóa ở các doanh nghiệp lớn là điều không thể thiếu, như:

Vinfast nhà máy sản xuất ô tô áp dụng dây chuyền sản xuất tự động hóa: Quá trình tự động sẽ bắt đầu từ dập thân vỏ, tới hàn, sơn, tiến hành lắp ráp các chi tiết lại và hoàn thiện.

Nhà máy sản xuất vinamilk tại Bình Dương: Máy móc ở đây được tích hợp thành một hệ thống tự động và hoạt động đồng bộ, đạt hiệu quả và năng suất vượt xa so với chế độ vận hành thủ công. Giám đốc Tertra Pak cho biết thêm: “Các Robot có khả năng tự thay pin mà không cần sự can thiệp của con người.”

Dây chuyền sản xuất nhà máy sữa

Sự phát triển của dây chuyền gia công

Công nghệ điều khiển số bằng máy tính (CNC)

Công nghệ điều khiển số bằng máy tính (CNC) là phương pháp tự động hóa việc điều khiển, chuyển động và độ chính xác của máy công cụ thông qua việc sử dụng phần mềm máy tính được lập trình sẵn.

CNC thường được sử dụng trong sản xuất để gia công các bộ phận kim loại và nhựa. Máy phay, máy tiện, máy khoan, máy mài, tia nước và tia laser… là những công cụ cắt phổ biến mà hoạt động của chúng cũng có thể được tự động hóa bằng CNC.

Cách thức hoạt động của CNC

Ban đầu bản vẽ sản phẩm cần gia công sẽ được thiết kế bằng phần mềm CAD như Solidworks, Creo, NX, Inventor..,từ bản vẽ đó các phần mềm trên sẽ tự xử lý tính toán và đưa ra được mã lập trình G-code.

Từ chuỗi lập trình mã G-code đó sẽ được nạp vào máy CNC qua USB hoặc qua đường liên kết từ máy tính chủ để vận hành máy CNC.

Người vận hành sẽ đo đạc, kiểm tra các thông số sao cho đúng như chương trình đã nạp vào máy, bước này rất quan trọng vì sẽ ảnh hưởng đến độ chính xác của chi tiết sau khi gia công.

Khi mọi thứ đã sẵn sàng, máy CNC sẽ chạy chương trình và hoàn thành công việc với độ chính xác như được hướng dẫn.

Đối với những chi tiết cơ bản người vận hành hoàn toàn có thể tự lập trình thủ công bằng cách nhập trực tiếp lên bảng lệnh của máy CNC. 

Máy phay CNC

Ứng dụng công nghệ robot vào dây chuyền sản xuất

Năm 1961, tại General Motors ở New Jersey robot công nghiệp đầu tiên Unimate bắt đầu làm việc trên dây chuyền lắp ráp, nó được giao nhiệm vụ vận chuyển khuôn đúc và hàn các bộ phận lên thân ô tô, một công việc nguy hiểm đối với công nhân, họ có thể bị nhiễm độc do khói độc hoặc mất chi nếu không cẩn thận.

Ngày nay ở Việt Nam, dây chuyền sản xuất đã có những thay đổi, cập nhật liên tục và ứng dụng công nghệ robot vào dây chuyền sản xuất cũng là một trong số đó. Từ ô tô đến điện tử và hơn thế nữa, dây chuyền lắp ráp ứng dụng robot đã giúp sản xuất sản phẩm trên quy mô lớn với tốc độ và hiệu quả cao hơn bao giờ hết.

Các loại robot được ứng dụng nhiều vào dây chuyền sản xuất

Robot công nghiệp (gia công cơ khí, phay, tiện, hàn, lắp ráp…): Là sự kết hợp tối ưu của công nghệ cảm biến, hệ thống điều khiển và trí tuệ nhân tạo. Các robot này có thể hoạt động trong điều kiện môi trường không đảm bảo và vận hành trong thời gian dài.Tay máy

Robot agv-robot tự hành: Được ứng dụng các giải pháp công nghệ dẫn đường nhằm hỗ trợ việc vận chuyển hàng hóa, nguyên vật liệu trong khu vực sản xuất rộng lớn đến những địa điểm đã được đánh dấu sẵn. Chính vì tính năng vận chuyển hàng tự động trên mà AGV có thể loại bỏ gần như hoàn toàn sự can thiệp của con người trong việc vận hành.Robot tự hành

Robot cộng tác : Được thiết kế để làm việc an toàn cùng với con người trong môi trường tẻ nhạt, buồn chán và nguy hiểm, có thể được lập trình để thực hiện nhiều nhiệm vụ khác nhau như lắp ráp các mặt hàng, xếp hàng, đóng gói, hàn, lắp ghép….

Lợi ích và thách thức của việc triển khai công nghệ tiên tiến

Lợi ích

Các công nghệ sản xuất tiên tiến bao gồm robot, trí tuệ nhân tạo, sản xuất tích hợp máy tính với tiềm năng:

Tăng năng suất.

Cắt giảm chi phí, nâng cao chất lượng sản phẩm.

Khi được triển khai đúng cách, robot có thể loại bỏ lỗi của con người và làm việc tính toán chính xác, an toàn.

Thách thức

Chi phí đầu tư ban đầu cao: Việc mua và lắp đặt thiết bị robot có thể tốn kém, không khả thi đối với các nhà sản xuất vừa và nhỏ.

Chi phí bảo trì và sửa chữa: Ngoài chi phí đầu tư ban đầu, chi phí bảo trì, sửa chữa với những thiết bị công nghệ tiên tiến có thể cao.

Sự phụ thuộc vào nguồn điện: Phụ thuộc vào nguồn điện đáng tin cậy. Mất điện hoặc các sự cố về điện khác có thể gây ra thời gian ngừng hoạt động và giảm năng suất.

Độ phức tạp của công nghệ mới: Đòi hỏi người vận hành phải có kỹ năng, trình độ hiểu biết rõ về những công nghệ mới. Ngoài ra, những thay đổi trong quy trình sản xuất, điều này có thể dẫn đến thời gian ngừng hoạt động.

Những tiến bộ của ngành công nghiệp

Quy trình dây chuyền lắp ráp ô tô

Đầu tiên khung xe được đặt trên dây chuyền lắp ráp và được kẹp vào băng tải để không bị trượt trên băng chuyền. Từ đây khung ô tô di chuyển đến các khu vực lắp ráp linh kiện, nơi hoàn chỉnh hệ thống treo trước và sau, bình xăng, trục sau và trục truyền động, hộp số, các thành phần hộp lái, bánh xe và hệ thống phanh được lắp đặt tuần tự.Dây chuyền lắp ráp ô tô

Các công nhân sử dụng cánh tay robot để lắp đặt các thành phần nặng này vào bên trong khoang động cơ của khung. Sau khi động cơ và hộp số được lắp đặt, một công nhân sẽ gắn bộ tản nhiệt và một người khác bắt bu lông vào vị trí. Robot thực hiện tất cả các hoạt động nâng và mang trong khi các nhà lắp ráp sử dụng cờ lê khí nén bắt các miếng linh kiện vào vị trí.

Tiếp theo, robot làm phần thân xe. Các cánh tay robot được dùng để ghép nối các mối hàn một cách chính xác, giúp thay thế con người thực hiện các công đoạn khó khăn, nặng nhọc, độc hại. Thân xe sau khi được lắp ráp hoàn chỉnh sẽ chuyển sang giai đoạn phun sơn.

Nhờ hệ thống phun sơn tự động, đảm bảo quá trình phun sơn với độ chính xác cao. Ở một số nhà máy sản xuất ô tô quy mô lớn, robot với khả năng dẫn hướng hiệu quả còn được sử dụng để thay thế con người thực hiện công việc phun sơn này.Tay máy sơn xe

Sau đó là lắp ráp nội thất. Ở công đoạn này, tất cả các nội thất bên trong xe ô tô như dây điện, hệ thống ghế ngồi, hệ thống đèn xe, bảng điều khiển, loa, kính chắn gió...đều được lắp ráp. Các loại robot công nghiệp cùng với công nhân thực hiện quá trình này.

Lắp khung gầm vào vỏ xe. Ở giai đoạn này, robot sẽ nâng thân vỏ của ô tô lên khung, nhân công sẽ bắt vít cố định thân và khung sau đó lắp ráp phanh và bánh xe để tạo ra một chiếc xe hoàn chỉnh.

Cuối cùng là kiểm tra chất lượng: xe sẽ được kiểm tra, thử nghiệm để đảm bảo chất lượng tốt nhất. Nếu phát hiện bất kỳ lỗi, khuyết điểm nào đều được xử lý kịp thời.

Quy trình đóng gói và dán nhãn sản phẩm tự động

Một dây chuyền đóng gói và dán nhãn thường có các loại máy sau:

Máy cấp thùng, mở thùng carton và dán đáy dưới thùng carton.

Băng tải con lăn chuyển thùng carton vừa dán đáy đến máy gắp sản phẩm vào thùng carton.

Máy dán nhãn tự động

Máy gắp hay còn gọi là robot gắp sản phẩm vào thùng

Máy gập miệng thùng carton và dán luôn

Máy đóng đai tự động theo chiều của thùng

Dây chuyền đóng gói tự động

Từ những loại máy trên được liên kết với nhau thành một dây chuyền tự động và quy trình đóng gói diễn ra các công đoạn:

Ban đầu sản phẩm sẽ di chuyển đến máy dán nhãn tự động, công đoạn dán nhãn chai được thực hiện bằng máy phóng nhãn màng nilon, máy được thiết kế khuôn phóng nhãn theo hình dáng của chai. Cắt nhãn từ cuộn nhãn dán và tự động phóng nhãn lên cổ chai, thân chai (vị trí chính xác cần dán nhãn theo yêu cầu khách hàng).

Tiếp theo là co màng tự động, buồng gia nhiệt giúp nhãn được co nhiệt và bám chắc vào thân chai. Máy co màng nilon cho chai nhựa, chai thủy tinh dễ dàng được điều chỉnh nhiệt độ và lưu lượng khí nóng tùy theo loại nhãn chai giúp màng co nhanh, chắc chắn và đẹp mà không ảnh hưởng tới chất lượng của chai và sản phẩm bên trong.

Sau khi co màng xong các chai sẽ di chuyển,và thùng sẽ được máy mở và dán đáy thùng lại,dây chuyền sẽ đưa các chai vào bên trong thùng.

Rồi tiếp tục dây chuyền sẽ đưa thùng đến máy gấp, dán mép và mặt trên thùng 

Cuối cùng thùng hàng sẽ được Robot tự động xếp thùng carton lên pallet.

Tay máy xếp hàng

Công nghệ gắn trên bề mặt (SMT)

Đầu những năm 1950, người ta dùng công nghệ xuyên lỗ để lắp ráp linh kiện trên bo mạch nhưng để đáp ứng những yêu cầu đặt ra cho bo mạch là nhỏ gọn, rẻ, chất lượng. Từ sau năm 1980 công nghệ dán bề mặt (SMT - Surface Mount Technology) hay còn gọi là công nghệ hàn linh kiện bề mặt ra đời, thay thế phương pháp xuyên lỗ và trở thành xu hướng mới trong lắp ráp linh kiện điện tử.

SMT là công nghệ lắp ráp linh kiện điện tử bằng cách dán trực tiếp linh kiện lên bề mặt bảng mạch mà không cần khoan lỗ.

Mạch điện tử

Sơ lược về quy trình công nghệ SMT

Ngày nay quy trình SMT được phổ biến rộng rãi, vì vậy có rất nhiều những cách thức khác nhau để gắn chip lên dây chuyền SMT. Tuy nhiên một dây chuyền tiêu chuẩn sẽ bao gồm những bước sau:

Quét hợp kim hàn: Kem hàn có dạng bột nhão sẽ được quét qua lỗ thông qua 1 mặt nạ kim loại, sau đó được đặt lên tấm PCB để dính vào các bộ phận linh kiện khác

Công đoạn gắn chíp, gắn IC: SMT sẽ tự động gỡ linh kiện từ dây chuyền, và đặt vào vị trí tương ứng đã được quét kem hàn. Sau đó tiếp tục sấy khô PCB và lật mặt để tiến hành gắn lại,công nghệ SMT mới còn cho phép gắn linh kiện cùng lúc cả hai mặt

Công đoạn gia nhiệt - làm mát: Giai đoạn gia nhiệt sẽ được thực hiện bởi lò sấy, với nhiệt độ tăng dần để linh kiện có thể thích ứng. Khi đến nhiệt độ đủ lớn, kem hàn sẽ nóng chảy và dán chặt linh kiện lên lớp PCB. Sau đó, bảng mạch sẽ được làm mát và rửa một số hóa chất, dung môi nước.

Công đoạn kiểm tra và sửa lỗi: Sử dụng máy AOI quang học hoặc sử dụng tia X để kiểm tra chất lượng sản phẩm.

Ưu đểm và hạn chế của dây chuyền công nghệ SMT

Ưu điểm

Giảm kích thước và linh kiện trên bo mạch, vì vậy có thể tao tác trên cả 2 mặt của bản mạch nên tiết kiệm được không gian, linh hoạt và tương thích với nhiều thiết bị hơn.

Độ bền cơ học cao hơn, đặc biệt trong điều kiện bị rung, lắc, va đập, mối liên kết sẽ không bị nứt vỡ.

Nâng cao năng suất. Tốc độ tạo ra 1 bản mạch nhanh hơn, tiết kiệm thời gian hơn.

Ít lỗi trên bảng mạch do hệ thống được thực hiện tự động nên tỷ lệ lỗi gần như bằng 0,độ chính xác cao.Hai loại mạch

Nhược điểm

Yêu cầu kỹ thuật cao, cần chú ý đến các chi tiết nhiều hơn so với phương pháp lắp ráp xuyên lỗ.

Do tự động hóa hầu hết các công đoạn nên vốn ban đầu sẽ rất lớn, đòi hỏi người vận hành có trình độ và kinh nghiệm.

SMT được chế tạo với kích thước nhỏ, khoảng cách hẹp, vì thế việc sửa chữa cũng khó khăn hơn.

Tác động của dây chuyền sản xuất tự động

Dây chuyền sản xuất tự động được coi là một trong những bước đổi mới quan trọng nhất trong hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp.

Tự động hóa được hình thành từ những phát minh đầu tiên ra các công cụ cơ bản như bánh xe và đòn bẩy. Tiếp theo đó là các phát minh như cối xay gió và máy in tiếp tục xu hướng.

Cách mạng công nghiệp là nơi tự động hóa thực sự phát triển và là nơi ngành sản xuất bước tiến vào một giai đoạn mới. Với việc phát minh ra động cơ hơi nước,các nhà máy đột nhiên trở nên nổi bật hơn rất nhiều.Kết hợp với những đổi mới công nghệ liên tục,sự phát triển này đã tạo điều kiện hình thành lên sáng kiến áp dụng tự động hóa vào dây chuyền sản xuất giúp gia tăng thống trị của các nhà máy.

Hiện nay việc ứng dụng dây chuyền sản xuất đều được áp dụng một cách rộng rãi, mang lại nhiều lợi ích, hầu hết các ngành công nghiệp sản xuất đều có thể ứng dụng sản xuất theo dây chuyền như: Sản xuất ô tô, xe máy; Sản xuất linh kiện điện tử, PCB…; Chế biến gỗ; Điện thoại di động; Sản xuất thực phẩm,dược phẩm; Ngành luyện kim, hoá chất; Dệt, may mặc…

Ảnh hưởng tích cực dây chuyền sản xuất mang lại cho các doanh nghiệp:

Nâng cao năng xuất: Máy móc tự động hóa làm việc nhanh hơn con người, không cần nghỉ trong thời gian dài chúng có thể hoạt động 24/7.

Giảm chi phí lao động và lỗi của con người: Máy tự động có thể làm việc thay thế được rất nhiều nhân công, ngoài ra chúng được lập trình tính toán chính xác để tạo ra những sản phẩm đồng bộ tránh lỗi.

Tăng tính an toàn: Những ông việc nặng nhọc,nguy hiểm hay trong môi trường độc hại máy móc thiết bị trong dây chuyền sẽ thay thế con người,tránh được những trường hợp nguy hiểm cho nhân công, đảm bảo được uy tín, chất lượng của doanh nghiệp.

Xu hướng tương lai về tự động hóa dây chuyền sản xuất

Giới thiệu trí tuệ nhân tạo và học máy

Các khái niệm về trí tuệ nhân tạo đã xuất hiện trong khoa học viễn tưởng ít nhất là từ đầu thế kỷ 20. Mãi cho đến khi những máy tính lưu trữ chương trình đầu tiên đi vào hoạt động vào năm 1949, các điều kiện đã được thiết lập để AI trở thành hiện thực. Trong vòng vài năm, các nhà khoa học và học giả đã đưa ra giả thuyết rằng máy tính có thể vượt xa khả năng xử lý dựa trên các quy tắc logic và thực sự trở thành “cỗ máy tư duy”.

Trí tuệ nhân tạo là một kỹ thuật xây dựng các hệ thống bắt chước hành vi hoặc ra quyết định của con người. Đây là quá trình truyền tải các dữ liệu, thông tin và mô phỏng các quá trình suy nghĩ và học tập của con người cho máy móc. Mục tiêu chính của AI là tạo ra những cỗ máy có thể tự suy nghĩ và hành động giống như con người.

AI

Còn học máy là một tập hợp con của AI, tập trung vào việc tạo ra các hệ thống hoặc mô hình có thể học từ dữ liệu và cải thiện hiệu suất của chúng trong các nhiệm vụ cụ thể mà không cần phải lập trình rõ ràng, Học máy dựa vào việc làm việc với các tập dữ liệu lớn, bằng cách kiểm tra và so sánh dữ liệu để tìm các mẫu chung và khám phá các sắc thái.

Công nghệ học máy thường được ứng dụng trong: nhận dạng hình ảnh, giọng nói, phân tích chứng khoán,phân loại,dự đoán,chuẩn đoán ý học…

Một ví dụ đơn giản để bạn hiểu hơn về học máy, Bạn muốn một chương trình có thể tự nhận diện có con thỏ trong hình:

Đầu tiên bạn cần cung cấp cho máy tính một tệp dữ liệu về các đặc điểm nhận dạng của loài thỏ như: hình dáng cơ thể, màu sắc lông, kích thước,…

Tiếp theo, bạn sẽ cung cấp cho máy tính một loạt các hình ảnh có con thỏ trong đó để máy tính có thể chọn ra các chi tiết, đặc điểm có liên quan đến thỏ.

Cuối cùng khi máy đã nhận được đủ dữ liệu về thỏ thì máy tính sẽ biết cách tìm ra những bức ảnh có chứa con thỏ trong đó. Máy tính sẽ nhận diện bằng cách nếu hình ảnh có chứa các chi tiết A, B, C nào đó thì khả năng cao bức ảnh đó có chứa con thỏ.

Tự động hóa tác động tới thị trường việc làm

Công nghệ tự động hóa đang không ngừng phát triển, trở thành một phần không thể thiếu trong các quy trình sản xuất hiện đại, Khi máy móc ngày càng bổ sung cho sức lao động của con người tại nơi làm việc.

Thách thức đối với người lao động

Máy móc sẽ có thể thực hiện nhiều nhiệm vụ do con người thực hiện hơn, bổ sung cho công việc mà con người làm và thậm chí thực hiện một số nhiệm vụ vượt xa những gì con người có thể làm. Kết quả là, một số ngành nghề sẽ suy giảm, số khác sẽ phát triển và nhiều ngành nghề khác sẽ thay đổi.

Báo cáo "Triển vọng việc làm năm 2023" vừa được Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) công bố, người lao động (NLĐ) đang lo lắng mất việc bởi trí tuệ nhân tạo (AI), ChatGPT và các công nghệ tiên tiến khác. OECD cho rằng cuộc cách mạng AI, ChatGPT đang ở giai đoạn khởi đầu của một cuộc cạnh tranh vị trí việc làm khốc liệt trong thời gian tới.

OECD lưu ý các công việc có nguy cơ bị tự động hóa cao nhất chiếm trung bình 27% lực lượng lao động ở các quốc gia thành viên. Theo kết quả khảo sát của OECD, cứ 5 người lao động thì có 3 người lo sợ có thể mất việc do AI trong 10 năm tới. 2/3 số người lao động được hỏi cho biết tự động hóa đã giúp công việc của họ bớt nguy hiểm hoặc tẻ nhạt hơn.

Người lao động sẽ cần phải có những kỹ năng mới và thích ứng với các máy móc ngày càng có khả năng hoạt động cao hơn tại nơi làm việc. Trong thị trường việc làm đang thay đổi nhanh chóng, người lao động cần có khả năng học các kỹ năng mới một cách nhanh chóng và cập nhật những phát triển công nghệ mới nhất trong lĩnh vực của họ.

Tạo ra những cơ hội việc làm mới

Bất chấp những thách thức này, tác động của công nghệ lên thị trường việc làm cũng tạo ra nhiều cơ hội. Ví dụ, làm việc từ xa ngày càng trở nên phổ biến, cho phép người lao động sống và làm việc từ mọi nơi trên thế giới.

Ngoài ra, công nghệ đã giúp các doanh nhân khởi nghiệp kinh doanh riêng và giúp người lao động theo đuổi công việc tự do hoặc những công nghệ mới có thể đã hỗ trợ và giúp họ làm việc dễ dàng thuận lợi hơn.

Kết luận

Quá trình phát triển của dây chuyền sản xuất từ thủ công sang tự động dây chuyền lắp ráp robot có thể bắt nguồn từ đầu những năm 1900. Một trong những người tiên phong trong lĩnh vực này là Henry Ford, người sáng lập Ford Motors và là nhà công nghiệp người Mỹ nổi tiếng với việc phát triển dây chuyền lắp ráp hiện đại, cách mạng hóa ngành sản xuất bằng cách cho phép sản xuất hàng loạt ô tô.

Trong khi dây chuyền lắp ráp của Ford chủ yếu dựa vào về lao động của con người hơn là robot tự động hóa, tuy nhiên ý tưởng của ông đã đặt nền móng cho sự phát triển của dây chuyền lắp ráp tự động trong những thập kỷ tiếp theo.

 Dây chuyền sản xuất của Ford

Chẳng bao lâu, việc lắp ráp tối ưu đã lan rộng sang các ngành công nghiệp khác.

Vào giữa thế kỷ 20, dây chuyền lắp sản xuất đã có mặt trong các ngành công nghiệp ngoài sản xuất rời rạc, bao gồm hóa chất, dầu mỏ và các ngành sản xuất liên tục khác.

Trong khi dây chuyền lắp ráp giúp một số quy trình sản xuất hiệu quả hơn đáng kể thì một số nhà sản xuất lại tìm kiếm những cách mới để cải thiện độ chính xác và giảm chi phí. Do đó, khi nhiều hình thức tự động hóa khác nhau phát triển trong suốt thế kỷ 20, các nhà sản xuất đã kết hợp chúng vào quy trình của họ. Dần dần, các công cụ tự động bắt đầu đảm nhiệm những công việc đơn giản, lặp đi lặp lại. Theo thời gian, mức độ tự động hóa trên dây chuyền lắp ráp tăng lên đáng kể.

Ngày nay dây chuyền sản xuất tự động được ứng dụng ngày một nhiều vào các lĩnh vực công nghệ sản xuất, giúp tối ưu chi phí, nâng cao năng suất và đem tới hiệu quả phát triển kinh tế vượt bậc.

Góp ý với chúng tôi